Nét đẹp trong lễ cưới dân tộc Cor
Tuy dân số không đông, địa bàn cư trú không rộng nhưng đồng bào Cor vẫn còn bảo lưu nhiều vốn văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc tộc người, nhất là lễ hội dân gian, trong đó lễ cưới hội tụ nhiều thuần phong mỹ tục, nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc.
Nghi lễ quan trọng
Dân tộc Cor cư trú chủ yếu ở hai huyện Trà Bồng, Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi - đây là chiếc nôi, quê hương ruột thịt của họ. Ngoài ra còn có một bộ phận nhỏ di cư từ Trà Bồng sang sinh sống ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Người Cor mang nhiều tên gọi phiếm xưng khác nhau như: Cùa, Khùa, Của, “Mọi Thanh Bồng”, “Mọi Trà Bồng”, “Mọi Trầu”, “Ta - Kua” hay “Mọi Quế”.
Lễ cưới là một trong những lễ quan trọng của đồng bào Cor, thu hút cả cộng đồng làng nóc. Lễ cưới thường diễn ra trong nhiều ngày, trải qua ba giai đoạn: lễ đi hỏi, lễ đạp nhà và lễ cưới.
Ngày xưa, lễ cưới sẽ diễn ra trong bốn hoặc sáu ngày, cứ lần lượt ngày thứ nhất nhà trai đến nhà gái, ngày thứ hai đoàn đi cưới đến nhà trai, ngày thứ ba quay lại nhà gái… đến kết thúc. Nghi thức cưới diễn ra ở hai bên gia đình gần tương tự như nhau. Lễ cưới là việc của cá nhân, gia đình, nhưng cũng là ngày vui chung của cộng đồng làng. Lễ cưới dân tộc Cor là một trong những lễ thức phô bày nhiều nét đẹp văn hóa như nghi lễ, tập tục, diễn xướng, trò chơi dân gian, ẩm thực và trang phục cổ truyền.
Điều đầu tiên là hai bên gia đình phải mua sắm bộ trang phục và những món trang sức mới cho cô dâu chú rể. Dân tộc Cor không có nghề dệt thổ cẩm, họ phải mua vải vóc, trang phục của dân tộc cận cư như Việt, Ca Dong và cải tiến, sáng tạo thêm để trở thành trang phục truyền thống riêng của dân tộc mình.
Trong lễ cưới, cô dâu đội chiếc nón bằng nan rất đẹp do chú rể đan tặng, cùng với nhiều món trang sức giá trị như tay đeo vòng ống bằng đồng, vòng cổ bằng bạc, chuỗi hạt cườm đeo cổ và trên hông. Ngoài đồ trang sức, cô dâu vai đeo chiếc gài dẹt một ngăn (kxui năh), tay cầm chiếc rựa và chiếc khăn gói các miếng trầu cau.
Chú rể mặc khố và choàng khăn, cổ tay đeo nhiều khoen đồng thau, vai mang chiếc gùi dẹt 3 ngăn (kxui pót) đựng ít gạo, chai rượu trắng... Trên vai chú rể còn vác thanh kiếm phép có vỏ bao bằng gỗ, bên ngoài được trang trí bằng tua len nhiều màu. Thanh kiếm vừa là vũ khí để phòng thủ ở dọc đường vừa là vật trang sức, biểu hiện sự mạnh mẽ của người con trai trưởng thành.
Chú rể còn khoác trên thân mình tấm choàng màu xanh hoặc màu chàm, có điểm xuyết vài đường nét hoa văn sọc dọc màu đỏ, đầu chít cái mũ lễ (ch’rấc) có hai mấu chìa ra tựa như cánh chuồn, tai đeo mấu bằng gỗ...Với lối phục sức này, chú rể hiện rõ lên diện mạo đầy nam tính.
Nghệ thuật đặc sắc
Ngày cưới của hai họ là ngày vui hội của làng nóc. Đêm đến, tại nhà trai hay nhà gái, mọi người tập trung để chia vui cùng gia đình và tham gia múa hát, tấu chiêng, diễn trò chơi. Tiết mục được đợi chờ nhất trong lễ cưới là đấu chiêng với 3 người tham gia: một người dùng chiêng vợ, một người dùng chiêng chồng để đấu với nhau; người thứ ba đánh trống, đóng vai trò như trọng tài giữ nhịp, kích thích cho hai bên thi đấu.
Người Cor xem đấu chiêng như một nghệ thuật đặc sắc, chỉ dành cho thanh niên, trai tráng có đủ sức vóc và có tài diễn tấu. Bởi vì lối đánh chiêng như đấu võ, thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, nhanh trí của người tham gia thi đấu. Người diễn xướng vừa biết chơi nhạc cụ giỏi vừa có sức khỏe tốt để diễn tả những động tác mạnh mẽ giống như võ sĩ thượng đài. Người diễn thể hiện tinh thần thượng võ vừa mang dáng dấp của nghệ sĩ, làm cho người xem thán phục, cổ vũ cuồng nhiệt. Khi tiết mục đấu chiêng đôi kết thúc, nhịp trống điệu chiêng trở lại khoan thai, nhẹ nhàng, lúc đó phụ nữ và các cô gái trẻ bước vào điệu múa ca đáu.
Động tác múa lả lơi, nghiêng ngả, diễn tả niềm hân hoan, nét đẹp lãng mạn, trữ tình của điệu dân vũ. Bộ trang sức hạt cườm ngũ sắc và tua màu điểm tô thêm cho vẻ đẹp trang phục, hình thể của các vũ nữ. Hạt cườm (nhút) được đồng bào mua về và cần mẫn xâu thành dây, thành chuỗi để quấn nhiều vòng quanh trán, quanh cổ, quanh cổ tay, cổ chân, quanh thắt lưng và quanh hông.
Kết thúc lễ cưới, đôi vợ chồng mới cùng nhau đi bắt cá phép dưới suối, hoặc đi phát rẫy, đi về xuôi mua sắm, trao đổi hàng hóa, vật dụng để lấy may. Kể từ lúc đó, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu chung sống với nhau. Lễ cưới của người Cor là một lễ tục đẹp, giàu tính nhân văn, thể hiện sự tôn vinh cái đẹp và tình yêu đôi lứa. Những tinh hoa văn hóa dân gian đặc sắc như trang phục của cô dâu chú rể và người dự hội, nghệ thuật diễn xướng, ẩm thực, nghệ thuật trang trí trên cây nêu đón mừng lễ cưới...,tất cả cùng hoà quyện, là món quà của gia đình và cộng đồng tặng cho đôi bạn trẻ để bước vào cuộc sống mới, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Theo Tấn Vịnh Làng Việt online
Không có nhận xét nào