Kiến trúc sân bay hiện đại nhất Việt nam - nhà ga Terminal 2 Nội Bài
Nhà ga hàng không lớn nhất Việt Nam T2 sân bay quốc tế Nội Bài đã chính thức hoạt động tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cùng với nhà ga quốc nội T1, Nhà khách VIP – Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài kết nối với hệ thống đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài. Chúng tôi xin tổng hợp một số thông tin về kiến trúc của công trình trọng điểm này.
Dự án Nhà ga hành khách T2 gồm 4 tầng với diện tích mặt bằng khoảng 139.000m2, được thiết kế theo mô hình dạng cánh với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên dọc tuyến đường cao tốc Nội Bài – Bắc Thăng Long và nằm liền kề với nhà ga T1. Theo đó, công trình tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng với hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bản vẽ phối cảnh nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài
Nhà ga T2 được thiết kế theo mô hình dạng cánh với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên.
Tính đến năm 2007, lưu lượng vận chuyển hàng không tại sân bay Nội Bài đã vượt quá công suất của nhà ga T1. Trong năm 2010 con số trên đã đạt đến 9,5 triệu hành khách và liên tục tăng qua các năm. Do đó, nhà ga T2 sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải của nhà ga T1, tạo diện mạo mới cho sân bay quốc tế Nội Bài.
Nhà ga T2 nằm liền kề với nhà ga T1, tạo diện mạo mới cho sân bay quốc tế Nội Bài.
Nhà ga gồm toà nhà chính (trung tâm) và 2 cánh với kích thước cụ thể: chiều dài toàn bộ nhà ga là 996m, chiều dài phần nhà ga chính (180m), chiều sâu nhà ga (132m), chiều rộng cánh (24m). Tầng 1 dành cho hành khách quốc tế đến, Tầng 2 dành cho hành khách đi (nối chuyến) và quốc tế đến, Tầng 3 dành cho hành khách đi quốc tế, Tầng 4 là phòng chờ hạng thương gia và khu dịch vụ thương mại, riêng tầng hầm sử dụng để vận chuyển hàng vào cách ly và hào kỹ thuật.
Ở vị trí phía gần đường băng có 32 vị trí đỗ, trong đó có 22 điểm sử dụng cầu hành khách và 10 chỗ không sử dụng cầu hành khách. Hệ thống dẫn đỗ tàu bay của Nhà ga T2 bao gồm 18 bộ thiết bị dẫn đỗ tự động và 22 bảng vị trí đỗ tàu bay. Việc tra nạp nhiên liệu thông qua hệ thống tra nạp ngầm. Các hố van được lắp đặt ngầm trên sân đỗ. Xe truyền tiếp nhiên liệu sẽ kết nối từ hố van tra nạp lên cánh tàu bay.
Nhà ga được thiết kế với khả năng mở rộng cho giai đoạn 2 bao gồm mở rộng toà nhà chính về hai phía và các cánh được kéo dài mở rộng để đáp ứng công suất 15 triệu hành khách/năm.
Được trang bị ngang tầm với các sân bay quốc tế khác, Nhà ga T2 mang một diện mạo hiện đại, đầy đủ tiện nghi cùng trang thiết bị tiên tiến nhất. Có đến 96 quầy thủ tục chia thành 4 đảo thủ tục (mỗi đảo có 24 quầy), 10 Ki-ốt check-in cho hành khách tự làm thủ tục và gồm 283 màn hình hiển thị thông tin được trang bị tại tất cả các vị trí cần thiết như sảnh công cộng, quầy check-in, phòng chờ, cửa ra tàu bay, băng trả hành lý…
Nhà ga thiết kế 17 cửa ra tàu bay, trong đó 14 cửa sử dụng cầu hành khách và 03 cửa bằng xe bus cho tàu bay không cập cầu hành khách. 14 cầu dẫn này có thể phục vụ 14 máy bay cỡ lớn hoặc 28 máy bay cỡ vừa và nhỏ đảm bảo vận tải không để xảy ra tình trạng ùn tắc như nhà ga T1.
Dự án Nhà ga hành khách T2 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 900 triệu USD, tương đương gần 18.000 tỷ đồng, trong đó vay vốn ODA Nhật Bản khoảng 691 triệu USD, tương đương hơn 13.000 tỷ đồng. Tuy chưa thể sánh được với các sân bay lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan nhưng Nhà ga T2 đã đạt tiêu chuẩn quốc tế với nhiều hệ thống vận hành hiện đại được nhập từ các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp...
Sảnh đón khách đến, khách đi ở tầng 2
Hệ thống băng chuyền vận tải hành lý
Hệ thống đường băng đi bộ tại cửa đi và cửa đến là thiết bị được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam giúp hành khách không bị mỏi chân khi phải di chuyển một chặng dài trong sảnh.
Lối đi trải thảm để giảm tiếng ồn tại Nhà ga T2.
Buồng ngủ 4m2 như một khách sạn mini với trang bị giường, tủ, chăn, ga, gối đệm, móc treo quần áo, điện thoại, wifi, đồng hồ báo thức, sách hướng dẫn…
Thiết kế sử dụng chất liệu gỗ là chính và sản xuất một cách cẩn thận nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí của du khách.
Phòng chờ hạng C của VNA tại nhà ga T2 với thiết kế hoàn toàn mới, lấy cảm hứng từ nhiều phương diện của văn hoá Việt.
Nhà ga hành khách T2 Nội Bài là công trình biểu trưng cho mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cùng với quy mô lớn, hiện đại, Nhà ga T2 đánh dấu một bước chuyển mới của sân bay quốc tế Nội Bài, xứng đáng là một cửa ngõ của thủ đô.
Nguồn Internet
Không có nhận xét nào